Trường Thu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo giải thích được năm 2023 tại Trường Đại học Đà Lạt

Tin nổi bật Tin tức của Trường

     Từ ngày 04/09 đến ngày 05/09/2023, tại Trường Đại học Đà Lạt, Trường Thu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo giải thích được (Interpretable AI – IAI) do Trường Đại học Đà Lạt phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Chương trình có sự tham gia của các Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ và sinh viên tới từ các đơn vị trong và ngoài Trường Đại học Đà Lạt.

ThS. Trần Thống – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt phát biểu khai mạc Chương trình

     Tại chương trình khai mạc vào sáng ngày 04/09, về phía Viện JAIST gồm có: GS. Tomoko Matsui, GS. Yuji Matsumoto, GS. Satoshi Tojo, GS. Mizuhito Ogawa và GS. Nguyễn Lê Minh. Về phía cơ quan doanh nghiệp gồm có: Ông. Lê Xuân Tùng – PGĐ Viettel Lâm Đồng, Ông. Nguyễn Xuân Tùng – Sở Thông tin và Truyền thông và Ông. Cao Minh Ngọc –  Sở công Thương. Về phía Trường Đại học Đà Lạt có sự tham gia của ThS. Trần Thống – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt,  TS. Nguyễn Cảnh Chương – phó phòng Quản lý Khoa học – Hợp tác Quốc tế cùng đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, ban chủ nhiệm các khoa Công nghệ Thông tin, khoa Toán – Tin học, khoa Vật lý – Kỹ thuật hạt nhân và đại diện lãnh đạo Trung tâm Công nghệ Thông tin Trung tâm AIC.

TS. Lê Thanh Tùng trình bày chuyên đề “Kết hợp nhúng đa tầm nhìn vào chú ý theo ngữ cảnh, để trả lời câu hỏi bằng hình ảnh Tiếng Việt”

     Trong 2 ngày diễn ra chương trình, các đại biểu tham dự Hội nghị được nghe trình bày và thảo luận về 15 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu cao cấp và cơ sở, thực hiện theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Chương trình bao gồm chuỗi bài giảng tổng quan về trí tuệ nhân tạo và mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models – LLM) cũng như các phần trình bày chuyên sâu về các lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP), xử lý dữ liệu chuỗi, an ninh mạng, v.v. Một số chia sẻ nổi bật như bài giảng của GS. Tomoko Matsui tới từ Viện Toán Thống Kê, Nhật Bản, nói về phương pháp phân tích quá trình tiến triển của dịch Covid-19 theo từng giai đoạn cụ thể. Trong khi đó, bài giảng của TS. Lê Thanh Tùng tới từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM, thảo luận về việc giải thích mức độ tương tác của người xem với video trên YouTube dựa trên một mô hình đa dữ liệu kết hợp như hình ảnh, âm thanh, tựa đề, v.v. Các bài nói chuyện còn lại cũng tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực trong thực tế.

Phòng Tạp chí và Truyền thông