Trường Đại học Đà Lạt tham dự Hội nghị tập huấn “Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công”

Hoạt động chung - QLCL

Ngày 14/10/2019, đoàn đại biểu Trường Đại học Đà Lạt do TS Lê Thị Anh Tú – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị tập huấn “Đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Ngày 14/10/2019, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị tập huấn cho các cơ sở giáo dục phía Nam, nhằm hướng dẫn triển khai bộ công cụ khảo sát theo Quyết định 3476/QĐ-BGDĐT ngày 4/10/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc “Ban hành công cụ khảo sát và tài liệu Hướng dẫn triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công năm 2019”, giúp các cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non cho đến đại học nắm rõ, hiểu sâu hơn về bộ công cụ khảo sát trong quá trình triển khai thực tế.

Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị tập huấn

Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu được nghe các hướng dẫn về công cụ thực hiện, cách thức triển khai thu thập thông tin khảo sát, phương pháp xử lý, phân tích, tổng hợp số liệu, và viết báo cáo nhằm hướng đến việc khảo sát sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công được thực hiện một cách khoa học và khách quan.

Được biết phạm vi và đối tượng triển khai khảo sát khá rộng lớn (trên toàn quốc), với đối tượng khảo sát chủ yếu là học sinh, học viên, sinh viên, và phụ huynh từ bậc học Mầm non cho tới Đại học. Kết quả khảo sát làm cơ sở để các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục xác định được nhu cầu, nguyện vọng của người dân, từ đó có những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người học với chất lượng dịch vụ giáo dục công.

Kết thúc mỗi nội dung tập huấn, các đại biểu tham dự đã có những câu hỏi đề nghị nhóm chuyên gia kỹ thuật giải đáp, làm rõ. Chương trình tập huấn đã giúp cho các đại biểu tham dự hiểu rõ hơn về công cụ khảo sát cũng như cách thức để triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công.