Trong bối cảnh Việt Nam đang tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng và giảm thiểu phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Trường Đại học Đà Lạt, với truyền thống lâu đời trong đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực năng lượng nguyên tử và vị trí đắc địa, đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.
Tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Nhu cầu cấp thiết về nhân lực
Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngay trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hoá chủ trương này, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam. Dự án không chỉ góp phần cung cấp năng lượng sạch, ổn định mà còn giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Việc xây dựng và vận hành Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuẩn bị một đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng thực hành thành thạo, từ kỹ thuật viên, kỹ sư đến chuyên gia nghiên cứu và quản lý. Trường Đại học Đà Lạt, nhờ truyền thống gần 50 năm đào tạo chất lượng cao ngành Vật lý hạt nhân (từ năm 1976) và Kỹ thuật hạt nhân (từ 2014) và vị trí đắc địa – gần Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, đã trở thành một trong số rất ít các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã, đang, và sẽ đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử của đất nước.
Trường Đại học Đà Lạt là một trong năm cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Quyết định số 1558/QĐ-TTG ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”).
Đội ngũ giảng viên chất lượng cao và chương trình đào tạo tiên tiến
Trường Đại học Đà Lạt có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong ngành Vật lý hạt nhân và Kỹ thuật hạt nhân. Trong số hơn 97% giảng viên có trình độ sau đại học của Khoa Vật lý và Kỹ thuật hạt nhân, nhiều người được đào tạo tại các quốc gia có nền khoa học công nghệ hạt nhân tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. Sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc trong giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Khoa cũng đã tạo nên nền tảng vững chắc cho chất lượng đào tạo lĩnh vực này của Trường.
Chương trình đào tạo ngành kỹ thuật hạt nhân của Trường được thiết kế toàn diện, bao quát cả kiến thức lý thuyết và thực hành, kế thừa tính ưu việt của nhiều chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới. Sinh viên được học tập và thực hành các môn chuyên sâu như: Vật lý hạt nhân và ứng dụng; Lò phản ứng hạt nhân và ứng dụng; Ứng dụng năng lượng hạt nhân trong y tế, công nghiệp, và nông nghiệp; Quản lý chất thải phóng xạ và an toàn môi trường.
Giáo trình giảng dạy được tham khảo từ các tài liệu quốc tế, đảm bảo cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đặc biệt, Trường thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, giúp sinh viên nắm bắt xu hướng phát triển và ứng dụng thực tế trong ngành này.
Cơ sở vật chất hiện đại và hợp tác quốc tế mạnh mẽ
Với vị trí gần Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, sinh viên ngành Vật lý hạt nhân và Kỹ thuật hạt nhân của Trường có cơ hội tiếp cận và thực hành trực tiếp trong môi trường thực. Lò phản ứng này không chỉ hỗ trợ đào tạo mà còn cung cấp cơ hội nghiên cứu về sản xuất đồng vị phóng xạ, nghiên cứu phản ứng hạt nhân, an toàn phóng xạ và quan trắc, và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Trường đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm vật lý hạt nhân, phòng đo liều bức xạ đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, Trường sở hữu Hệ thống thiết bị mô phỏng thời gian thực lõi lò phản ứng hạt nhân OPR1000 (CoSi) do Hàn Quốc tài trợ. Sinh viên được sử dụng thiết bị này để học tập và thực hành mô phỏng. Hệ thống thiết bị gồm máy tính chủ và các máy tính trạm được cài đặt hệ thống phần mềm giả lập lò phản ứng hạt nhân OPR-1000 công suất 1000 MWe do Hàn Quốc phát triển.
Trường đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với các trường đại học và tổ chức quốc tế uy tín như Đại học Hanyang (Hàn Quốc), Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), Hiệp hội Hạt nhân Hàn Quốc (KNS), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các cơ quan nghiên cứu hạt nhân tại Nhật Bản và Nga. Những chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên và các dự án nghiên cứu chung không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn mở ra cơ hội việc làm quốc tế cho sinh viên tốt nghiệp.
Trường Đại học Đà Lạt sẵn sàng tham gia đào tạo nhân lực phục vụ chiến lược năng lượng quốc gia
Trường Đại học Đà Lạt không chỉ sẵn sàng đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu xây dựng và vận hành Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mà còn đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu, tư vấn chính sách về phát triển năng lượng hạt nhân tại Việt Nam. Các nghiên cứu do Trường thực hiện đã góp phần tối ưu hóa các phương pháp vận hành lò phản ứng, nâng cao an toàn bức xạ và quản lý chất thải hạt nhân. Ngoài ra, Trường còn đào tạo các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ quá trình giám sát và đánh giá tác động môi trường trong các dự án liên quan đến năng lượng hạt nhân. Sự kết nối chặt chẽ giữa đào tạo và thực tiễn này là yếu tố quan trọng, giúp nhân lực do Trường đào tạo đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe của lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Trường Đại học Đà Lạt đã và đang khẳng định vị thế là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong đào tạo nhân lực ngành Vật lý hạt nhân và Kỹ thuật hạt nhân tại Việt Nam. Với đội ngũ giảng viên chất lượng cao, chương trình đào tạo toàn diện và tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại và hợp tác quốc tế mạnh mẽ, Trường Đại học Đà Lạt đã, đang và sẽ sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ quá trình xây dựng và vận hành Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng thời đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân bền vững của quốc gia.
______________________
Bài: Nguyễn Văn Tuấn
Ảnh: Nguyễn An Sơn