Tọa đàm Thơ Thiền Việt Nam tại Trường Đại học Đà Lạt

Tin nổi bật Tin tức của Trường

        Sáng 27/5/2023, Trường Đại học Đà Lạt tổ chức buổi Tọa đàm Thơ Thiền Việt Nam. Đây là một hoạt động học thuật có nhiều ý nghĩa của Trường, góp phần gìn giữ và làm giàu đẹp di sản văn hoá dân tộc cũng như lan tỏa, giáo dục các thế hệ sinh viên Đại học Đà Lạt những giá trị cốt lõi mà tập thể viên chức, người lao động và người học của Trường đang nỗ lực gìn giữ và phát huy, đó là: Thụ nhânKhai phóngBản sắc.

          Khai mạc Tọa đàm, Tiến sĩ Lê Minh Chiến – Hiệu trưởng, đã khái quát giá trị của Thơ Thiền Việt Nam và nêu lên vai trò quan trọng của ý thức bảo vệ di sản văn hoá – văn học thông qua hoạt động học thuật về nguồn mà Trường hướng tới qua việc tổ chức Toạ đàm lần này. Nhân dịp này, Hiệu trưởng nhấn mạnh vai trò và sứ mạng của Trường Đại học Đà Lạt cũng như mong muốn được kết nối với các nhà khoa học, nhân sĩ trí thức, nhà văn hoá trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và cả nước nhằm lan toả những hoạt động văn hoá thiết thực và có giá trị học thuật cao.

TS. Lê Minh Chiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt phát biểu tại buổi tọa đàm

           Trong Toạ đàm lần này, nhà thơ Nguyễn Duy đã mang đến và giới thiệu cuốn ấn phẩm độc bản khổ lớn 81x111cm, in trên giấy dó 32 bài thơ Thiền Lý – Trần và Lê – Nguyễn. Các bài thơ được trình bày nghệ thuật trên một hoạ phẩm gồm 3 bản chữ Hán – bản thơ dịch tiếng Việt và tiếng Anh. 32 bài thơ Thiền Việt Nam viết bằng chữ Hán được nhà thơ Nguyễn Duy tuyển chọn và hợp tác cùng hai dịch giả là hai nhà thơ nổi tiếng ở Mỹ rất tâm huyết với văn hoá Việt Nam là giáo sư Nguyễn Bá Chung và nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen. Ngoài ra, nhà thơ Nguyễn Duy còn đem đến buổi Toạ đàm 32 bức phụ bản in trên giấy canvas thành 32 bức tranh độc đáo nhằm giới thiệu đến cử toạ toàn bộ công trình hợp tác dịch thuật công phu và đầy tâm huyết với di sản văn học Việt. Bộ ấn phẩm nghệ thuật độc đáo này đã được triển lãm và giới thiệu nhiều nơi ở nước ngoài, ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và gần đây nhất là ở Huế, vào tháng 3/2023. Đây là lần đầu tiên bộ ấn phẩm được giới thiệu tại một trường đại học trong khuôn khổ một buổi toạ đàm.

          Phần giới thiệu mở đầu Toạ đàm của nhà thơ Nguyễn Duy đã đem đến nhiều hứng thú cho cử toạ là đại diện một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể tại tỉnh Lâm Đồng, các nhà sư, nhà giáo, nhân sĩ trí thức và đặc biệt là đông đảo sinh viên Trường Đại học Đà Lạt.

 
Nhà thơ Nguyễn Duy giới thiệu “Lịch sử bộ sách và tập tranh Thơ Thiền”

           Buổi Toạ đàm diễn ra với các bài tham luận Giá trị nhân văn trong thơ Thiền Việt Nam thời Lý Trần của nhà giáo Phạm Hậu Thành, nguyên giảng viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Đà Lạt. Với thế mạnh của một người nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy Văn học trung đại Việt Nam, nhà giáo Phạm Hậu Thành đã tổng lược giá trị nhân văn cốt lõi mà các nhà sư  thời Lý – Trần đã thể hiện qua các bài kệ được thơ hoá thể hiện những cảm xúc mang ý vị Thiền học. Qua việc phân tích những vẻ đẹp tinh hoa của thế giới, của tâm hồn tăng lữ, những bậc trí thức thượng tầng trong xã hội xưa, tham luận đã làm rõ những đóng góp về giá trị nhân văn mà thơ ca Lý – Trần đã thể hiện.

          Trong dòng chảy lịch sử của văn học dân tộc, 10 thế kỷ văn học trung đại gắn liền với thời kỳ độc lập tự chủ của nhà nước phong kiến Việt Nam là một chặng đường văn học chứa  nhiều tầng vỉa giá trị mà tiền nhân để lại, trong đó không thể không kể đến một đặc điểm cơ bản của văn học trung đại là vừa học tập tinh hoa văn học Trung Quốc vừa vận động tiếp biến, thoát ly theo hướng dân tộc hoá. Thể hiện nội dung này, Hoà thượng Thích Viên Như, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm đồng, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, Trụ trì Chùa Linh Sơn đã đến với toạ đàm bằng bài diễn thuyết Sự va chạm giữa hai nền văn hoá qua thơ thiền chữ Hán và những hệ luỵ của nó. Hoà thượng phân tích một số bài thơ chữ Hán đã chỉ ra những giá trị dân tộc và trí tuệ của các thiền sư Việt Nam, qua đó khích lệ lòng tự tôn dân tộc cũng như ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Hòa thượng Thích Viên Như chia sẻ về “Sự va chạm giữa hai nền văn hoá qua Thơ Thiền và những hệ luỵ của nó”

            Tiếp nối Toạ đàm là nội dung nghiên cứu của Tiến sĩ Phạm Văn Hoá, giảng viên Khoa Ngữ văn & Lịch sử, Nghĩ thêm về thơ Thiền đời Lý và văn hoá Phật giáo Việt Nam. Tham luận điểm lược lại một cách khái quát về lịch sử văn hoá – xã hội, hoàn cảnh hình thành và phát triển của Thơ Thiền thời Lý, những nội dung, đặc điểm qua nghiên cứu một số trường hợp văn bản. Qua đó, tham luận ghi nhận lại những giá trị nội dung và nghệ thuật tiêu biểu của thơ Thiền thời Lý cũng như ảnh hưởng của các tác phẩm thơ Thiền đó đối với việc phát triển văn hoá trong giai đoạn Phật giáo là quốc giáo ở Việt Nam.

          Kết thúc Toạ đàm là phần trình bày của nhà báo Lê Thanh Phong, báo Lao động – một cựu sinh viên luôn tích cực đóng góp, đồng hành cùng sự phát triển của Trường và năng nổ với nhiều hoạt động xã hội thiết thực, đã bàn về những vấn đề thời sự của một số hiện tượng xã hội đương thời do sự mê tín dị đoan và hiểu sai lạc về Phật pháp. Bài trình bày đầy tâm huyết của nhà báo Lê Thanh Phong đã gợi ra nhiều hứng khởi về những vấn đề công tác xã hội – giáo dục trong đời sống hiện nay, đặc biệt là trong sinh viên.

Diễn giả – Nhà báo Lê Thanh Phong chia sẻ tại Tọa đàm

          Hoạt động Toạ đàm được tiếp tục sau phần giải lao với nhiều trao đổi thảo luận trực tiếp giữa cử toạ và báo cáo viên. Một số sinh viên thực sự hứng thú và quan tâm đến những vấn đề đọc hiểu văn bản văn học trung đại đã đặt những câu hỏi về các nội dung tiếp nhận văn học, những vấn đề lịch sử văn bản thơ Thiền, các vấn đề nghiên cứu so sánh trong đọc bản dịch thơ bằng chữ quốc ngữ cũng như tiếng Anh. Toạ đàm khép lại sau một buổi sáng làm việc hiệu quả và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cũng như khai mở những vấn đề văn hoá – học thuật liên quan./.

Sinh viên Trường Đại học Đà Lạt có cơ hội tìm hiểu thêm về thơ thiền Việt Nam tại buổi Tọa đàm

Ths. Đỗ Thị Phương Lan