Sáng ngày 21/3/2025, tại Hội trường A11.203, Trường Đại học Đà Lạt đã phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Góp ý hoàn thiện dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)”.
Tọa đàm được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp phục vụ thẩm tra dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), cũng như trao đổi, thảo luận về công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ năng lượng hạt nhân.
Tọa đàm có sự hiện diện của Ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng đoàn; cùng các thành viên trong đoàn công tác của Ủy ban; Ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Về phía lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, có sự tham dự của các đồng chí: Trần Hồng Thái – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Đinh Văn Tuấn – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; cùng đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng. Tọa đàm còn có sự hiện diện của TS. Cao Đông Vũ – Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng – cùng tập thể lãnh đạo, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
Về phía Trường Đại học Đà Lạt, có sự tham dự của TS. Lê Minh Chiến – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; TS. Mai Minh Nhật – Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Đại diện Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị và đại diện các nhà khoa học của Trường.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ năng lượng hạt nhân. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội hiện nay. Ông cho biết, theo chương trình lập pháp của Quốc hội, dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ hoàn thiện, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín dự kiến tổ chức vào tháng 5.2025. Ông cũng đánh giá cao vai trò của Trường Đại học Đà Lạt trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực này.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho rằng năng lượng nguyên tử ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống; việc xây dựng, ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) lần này là đặc biệt ý nghĩa đối vớisự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử.

TS. Lê Minh Chiến – Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt – bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến các đại biểu đã tham gia và đóng góp ý kiến tại Tọa đàm. Ông khẳng định Nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực trong công tác đào tạo, nghiên cứu và hợp tác để góp phần vào sự phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 05/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc “phê duyệt Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”đã xác định một số mục tiêu và đề ra nhiều chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về năng lượng nguyên tử, trong đó có Trường Đại học Đà Lạt – một trong năm cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (Quyết định số 1558/QĐ-TTG ngày 18/8/2010).
Trường Đại học Đà Lạt đã và đang khẳng định vị thế là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong đào tạo nhân lực ngành Vật lý hạt nhân và Kỹ thuật hạt nhân tại Việt Nam. Với đội ngũ giảng viên chất lượng cao, chương trình đào tạo toàn diện và tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại và hợp tác quốc tế mạnh mẽ, Trường Đại học Đà Lạt đã, đang và sẽ sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ quá trình xây dựng và vận hành Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đồng thời đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân bền vững của quốc gia.
Buổi Tọa đàm đã diễn ra trong không khí trao đổi sôi nổi, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quan trọng từ các chuyên gia, nhà quản lý và đại biểu tham dự. Những nội dung thảo luận sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng năng lượng hạt nhân, góp phần vào sự phát triển an toàn và bền vững của lĩnh vực này tại Việt Nam.
______________________________
Phòng Tạp chí và Truyền thông
Hình ảnh: Đinh Thị Hằng