(Báo Lâm Đồng) – Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao về trà mi (camellia), đặc biệt, nhóm trà hoa vàng. Đến thời điểm này, có gần 100 loài đã được ghi nhận, trong đó 90% loài mới phân bố ở Việt Nam có thể xem là đặc hữu, nhất là Lâm Đồng có nhiều loại mới.
• TẠP CHÍ ĐẦU TIÊN CHUYÊN ĐỀ TRÀ MI
Đối tượng trà mi được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực: Điều tra thành phần loài, nhân giống, bảo tồn, đánh giá thành phần hóa học và dược tính, xây dựng mô hình phát triển nguyên liệu, xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm… càng cho thấy tiềm năng to lớn của nhóm cây này. Năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng tham mưu cho UBND tỉnh giao Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) thực hiện đề tài “Điều tra, nhân giống các loài trà mi ở Lâm Đồng”, đây là tiền đề để sau đó có 2 đề tài cấp cơ sở, 2 đề tài cấp bộ, 3 dự án tài trợ từ nước ngoài về nhóm cây trà mi ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Kết quả, đã có những sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu và thương mại hóa khẳng định cố gắng rất lớn của nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp, hộ sản xuất. Điều này cũng khẳng định cách tiếp cận về cây trà mi là đúng hướng.
Để tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu về trà mi bản địa, năm 2021, lần đầu tiên Tạp chí Khoa học ĐHĐL xuất bản đặc san về trà hoa vàng vùng Tây Nguyên Việt Nam. Đặc san đã gây tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý của các học giả trong nước và quốc tế. Trong đó, có nhiều bài báo được đánh giá cao về chất lượng như: “Trà Quỳnh (Camellia quynhii) một loài trà hoa vàng mới ở vùng Tây Nguyên Việt Nam” của nhóm 6 tác giả; “Trà Phạm S (Camellia sphamii) một loài trà hoa vàng mới ở Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang, Việt Nam) của nhóm 6 tác giả; “Trà Thuận (Camellia thuanana) một loài trà mới ở Tây Nguyên, Việt Nam” của nhóm 3 tác giả; “Thành phần a xít béo và khả năng chống ôxy hóa của dầu loài trà Ninh (Camellia ninhii) ở Lâm Đồng” của nhóm 4 tác giả; “Khóa phân loại các loài trà hoa vàng ở Tây Nguyên, Việt Nam” của 2 tác giả… Trong đó, có những bài báo đã được các nhà khoa học trích dẫn nguồn đưa vào tạp chí khoa học quốc tế càng khẳng định uy tín của Tạp chí Khoa học Trường ĐHĐL nói chung và chuyên đề về trà mi nói riêng.
Tiến sĩ Lương Văn Dũng – Trường ĐHĐL cho biết: “Tiếp tục thúc đẩy việc nghiên cứu về trà mi Việt Nam, từ năm 2023, Tạp chí Khoa học ĐHĐL sẽ xuất bản Đặc san nhị niên Trà mi Việt Nam (2 năm một số). Mục tiêu của đặc san là thiết lập một diễn đàn trao đổi học thuật chính thức về chủ đề trà mi bản địa Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn học thuật có uy tín cao về chủ đề này”.
• TRÀ MI LÂM ĐỒNG ĐƯỢC NGHIÊN CỨU SÂU
Mới đây, tại Trường ĐHĐL, các nhà khoa học tiếp tục tổ chức hội thảo khoa học về trà mi với sự tham dự của đông đảo giới khoa học trong nước. Tham luận “Tài nguyên trà mi bản địa Việt Nam” của Tiến sĩ Lương Văn Dũng bàn về một số thông tin rất ý nghĩa về thực tiễn lẫn học thuật như: Tài nguyên trà mi bản địa Việt Nam; tài nguyên di truyền (nguồn gen); tài nguyên cây cảnh; tài nguyên dược liệu; tài nguyên dầu béo và các giá trị khác. Ông kết luận, tài nguyên trà mi bản địa Việt Nam rất đa dạng và có 3 nhóm tài nguyên chính là cây cảnh, dược liệu, dầu béo.
Ở một phạm vi cụ thể, Thạc sĩ Trương Quang Cường có đề tài “Đa dạng các loài trà mi (Camellia SPP.) tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang và công tác bảo tồn tại Vườn quốc gia (VQG) Bidoup – Núi Bà”. Sự đa dạng của trà mi được phân bố tại khu vực này và vùng phụ cận bao gồm: Trà Hòn Giao (Camellia hongiaoensis Orel & Curry); trà cành dẹt (Camellia inusitata Orel, Curry & Luu); trà hoa tý hon (Camellia flosculora Curry, V.S.Le, C.Q. Truong& V. D. Luong); trà Bidoup (Camellia bidoupensis Truong, Luong & Tran); trà nhụy ngắn (Camellia kissii Wall.); trà Cường (Camellia cuongiana Orel & Curry); trà Núi Bà (Camellia ligustrina Orel, Curry & Luu); trà cám (Camellia furfuracea Merr. Cohen-Stuart); trà Langbian (Camellia langbianensis (Gagnep.)); trà Phạm S (Camellia phamsii Q. C. Truong, V. S. Le & V.D. Luong); trà rừng (Camellia sinensis (L.)Kuntze var. assamica (Mast.)Pierre sec. Phamh.); trà Đà Lạt (Camellia dalatensis Luong, Tran & Hakoda). Tác giả cho biết, cao nguyên Lang Biang có sự đa dạng về các loài thuộc chi trà mi với 12 loài, trong đó có 7/12 loài là loài đặc hữu có vùng phân bố hẹp. Hiện công tác bảo tồn tại VQG Bidoup – Núi Bà đang triển khai gồm 2 hình thức là bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ. “Đối với các đơn vị bảo tồn cấp cơ sở như VQG Bidoup – Núi Bà thì việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để huy động nguồn lực, kinh nghiệm và cơ sở dữ liệu để tránh lãng phí nguồn lực và thời gian trong công tác bảo tồn là rất quan trọng”, Thạc sĩ Trương Quang Cường đề xuất.
Nghiên cứu mở rộng, nhóm tác giả của Trung tâm Ứng dụng Khoa học – Công nghệ Lâm Đồng trong đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong trồng trọt một số loại trà hoa vàng (Camellia SPP.) phục vụ sản xuất trà túi lọc ở Lâm Đồng” với mục tiêu chung là xây dựng mô hình trồng và sản xuất trà túi lọc từ một số loài trà hoa vàng nhằm góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Còn theo PGS,TS. Trịnh Thị Điệp qua “Kết quả nghiên cứu thành phần hóa học một số loại trà bản địa ở Lâm Đồng” đã kiến nghị tiếp tục nghiên cứu sâu hơn 2 lĩnh vực: thành phần các hợp chất polyphenol có trong các loài trà mi ở Lâm Đồng, hoạt tính sinh học của các loài trà mi và phát triển các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu của Lâm Đồng…
Nguồn: http://www.baolamdong.vn/kinhte/202212/nhieu-gia-tri-cua-tra-mi-ban-dia-viet-nam-3150797/