Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021)

Hoạt động chung - Đảng Uỷ

      Cách đây 46 năm, vào ngày 30/4/1975, toàn dân tộc Việt Nam đã vỡ òa trong giây phút lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vẻ vang chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian lao và anh dũng của dân tộc ta (1954 – 1975)

      Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến của Chiến dịch Hồ Chí Minh (Nguồn: TTXVN)

      Thắng lợi của quân và dân ta còn là chiến thắng tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, là đòn bẩy thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới.

      Cuối năm 1974, đầu năm 1975, tình hình cách mạng miền Nam có nhiều bước tiến đáng kể. Chiến thắng Phước Long (13/12/1974 – 6/1/1975) đã củng cố tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, mở ra thời cơ mới để Đảng ta chủ trương kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 – 1976. Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ  “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975”.

      Nêu cao quyết tâm thống nhất nước nhà, thực hiện lời hiệu triệu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” của Bác cùng những nhận định sắc bén về thời cơ, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã giành được thắng lợi vang dội tại chiến trường Tây Nguyên và Huế – Đà Nẵng, tạo khí thế và thời cơ cách mạng cho chiến dịch mang tính chất quyết định tại Sài Gòn – Chiến dịch Hồ Chí Minh.

      Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch. Đến sáng ngày 30/4, khi tình hình của Ngụy quyền Sài Gòn cực kỳ nguy ngập, quân ta theo kế hoạch đã tiến công vào Dinh Độc lập. 10 giờ 45 phút cùng ngày, chiếc xe tăng Type 59 số hiệu 390 xông tới húc tung cánh cổng chính, đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe và chạy lên nóc Dinh Độc lập cắm lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 11 giờ 30 phút, Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đến ngày 2/5/1975, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập (Nguồn: TTXVN)

      Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, chứng minh tài thao lược, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc từ bao đời nay. Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả oanh liệt của hơn 30 năm đấu tranh giành độc lập tự do của quân và dân ta, hoàn thành thống nhất Tổ quốc và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

      Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12/1976 đã đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.”

Người dân Sài Gòn vui mừng chào đón Quân Giải phóng (Nguồn: TTXVN)

      Ngày nay, khi đất nước hòa bình, bước vào thời kì toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta có quyền tự hào về những chiến công hiển hách của dân tộc, càng thêm biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và tương lai tươi sáng của dân tộc. Với tinh thần tiếp nối truyền thống của cha anh, viết tiếp niềm tự hào của dân tộc, toàn thể viên chức, người lao động và sinh viên Trường Đại học Đà Lạt đã và đang nỗ lực hết mình trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập để góp phần vào sự phát triển của Trường Đại học Đà Lạt nói chung và của cả nước nói riêng.

      Trong những năm vừa qua, cán bộ, giảng viên của Trường luôn tích cực trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, luôn có ý thức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Trường luôn chú trọng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, thúc đẩy phong trào thanh niên tình nguyện, xung kích, sáng tạo trong sinh viên thông qua nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa và giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn như tham gia dọn dẹp vệ sinh và chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Lạt, thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, thăm quan các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Đà Lạt, cũng như tham gia các hoạt động xã hội ý nghĩa như các chương trình: Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi, Ngày Chủ nhật tình nguyện,… nhằm phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Phòng Tạp chí và Truyền thông