Chiều 22/4, Trường Đại học Đà Lạt (DLU) đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác Dự án thí điểm hệ thống năng lượng mặt trời kết hợp nông nghiệp giữa Trường Đại học Đà Lạt với Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Cơ quan Năng lượng Hàn Quốc (KEA) và các đối tác là ENVELOPS, KLES, GTC, HAEZOOM, Fraunhofer ISE…
Tham dự có PGS, TS. Nguyễn Tất Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt; ông Kim Kyung Min – Phó Giám đốc KEA; ông Yoon Sung – Tổng Giám đốc ENVELOPS; ông Krohn Thomas – Giám đốc Dự án GIZ; cùng đại diện lãnh đạo UBND TP Đà Lạt, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng; Chủ tịch Tập đoàn SUNFOOD DALAT; các chuyên gia, các nhà khoa học…
Trước khi ký kết trực tiếp tại Trường Đại học Đà Lạt, các đại biểu đã giới thiệu tổng quan Dự án về thông tin các bên liên quan, định hướng nghiên cứu, mục đích nghiên cứu, trực tiếp tại buổi lễ và trực tuyến tại điểm cầu ở Hàn Quốc.
Năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời kết hợp nông nghiệp nói riêng đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của tất cả các đối tác dự án. Với tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, Việt Nam đã và đang trở thành một địa điểm hấp dẫn cho sự phát triển của điện mặt trời kết hợp nông nghiệp.
Với nỗ lực chung, tất cả các đối tác dự án mong muốn sử dụng một mô hình mới về sản xuất năng lượng để hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh, một ngành nông nghiệp bền vững và đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để thực hiện các mục tiêu trên và thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực điện mặt trời kết hợp nông nghiệp tại Việt Nam, ENVELOPS, KLES, GTC, HAEZOOM, GIZ và Fraunhofer ISE đã quyết định hợp tác cho một dự án thử nghiệm với Trường Đại học Đà Lạt.
Mục tiêu biên bản ghi nhớ là khẳng định cam kết thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy hợp tác tích cực giữa các bên về các nội dung như: Thí điểm nông điện ở Việt Nam; nghiên cứu dự án thí điểm điện nông nghiệp; cùng nhau thúc đẩy các kết quả và công nghệ.
Theo đó, các bên đồng ý sử dụng các cuộc họp đa phương để lập kế hoạch, thực hiện và chỉ đạo dự án. Đồng thời, các bên sẽ tham vấn theo yêu cầu của một trong hai bên về tất cả các vấn đề phát sinh từ biên bản ghi nhớ này và các vấn đề khác có lợi ích chung.
Để thúc đẩy trao đổi thông tin thường xuyên, các bên sẽ tổ chức tham vấn đa phương ít nhất hàng quý trong năm đầu tiên thực hiện. Biên bản ghi nhớ có hiệu lực kể từ ngày ký đến ngày 30/6/2025.
Sau khi ký kết, nhóm thực hiện dự án sẽ xây dựng mô hình thí điểm để phục vụ cho mục đích nghiên cứu và ứng dụng trong năng lượng và nông nghiệp.
Về lâu dài, nhóm thực hiện dự án hướng tới mục tiêu mở rộng hệ thống và chuyển giao công nghệ cho nông dân tỉnh Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Phòng Tạp chí và Truyền thông