Sau thời gian dài chuẩn bị, từ ngày 21 tháng 12 đến ngày 25 tháng 12 năm 2024, Trường Đại học Đà Lạt và Engaging With Vietnam đã đồng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề: “Những câu chuyện Đông Dương: đối thoại giữa lưu trữ, học thuật và ký ức”
Hội thảo cũng là sự kiện kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển của chuỗi Hội thảo Khoa học Quốc tế thường niên “Engaging With Vietnam (EWV#15)”. Sự kiện này là một phần quan trọng trong chuỗi hoạt động khoa học với chủ đề bao quát: “Kiến tạo tri thức, giáo dục, công nghiệp sáng tạo, Việt Nam và thế giới”.
Hành trình 15 năm kết nối khoa học và văn hoá
Chuỗi hội thảo “Engaging With Vietnam” do Giáo sư Tiến sĩ Phan Lê Hà khởi xướng năm 2009, đã nhanh chóng trở thành một sân chơi khoa học quốc tế uy tín. Phối hợp cùng Phó Giáo sư Tiến sĩ Liam C. Kelley, chuỗi hội thảo đã mở ra những không gian học thuật đối thoại, kết nối các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, doanh nghiệp và những người quan tâm từ khắp trên thế giới.
Trong năm 2024-2025, chuỗi hội thảo EWV được tổ chức tại 3 địa điểm:
- Thành phố Huế (28-31/8/2024): Tọạ đàm khoa học và nghệ thuật với chủ đề “Đông Dương: Lịch sử, ký ức và chiêm nghiệm.”
- Hà Nội (16/9/2024): Sự kiện thảo luận chuyên sâu với chủ đề “Global Vietnam và Đông Dương.”
- Trường Đại học Đà Lạt (21-25/12/2024): Hội thảo quốc tế với chủ đề “Những câu chuyện Đông Dương: Đối thoại giữa lưu trữ, học thuật và ký ức.”
Hội thảo tại Trường Đại học Đà Lạt là một trải nghiệm độc đáo trong khoa học và nghệ thuật
Hội thảo đã thu hút hơn 250 đại biểu đăng ký đến từ nhiều quốc gia và khu vực, bao gồm các học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, sinh viên và những người quan tâm đến Đông Dương học. Sự kiện gồm nhiều chủ đề phong phú như:
Phần 1: Kể chuyện Đà Lạt: Từ điểm nghỉ dưỡng vùng cao đến đô thị văn hoá, khoa học, giáo dục và sáng tạo
Mở đầu Hội thảo là bài viết cùng tên chủ đề phần 1, được xem là đề dẫn Hội thảo của TS. Mai Minh Nhật – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt – Phó Trưởng ban tổ chức; tiếp sau là các bài viết tiêu biểu: Đông Dương – Văn hoá và tri thức qua chân dung học giả Phạm Huy Thông (1916-1988) và thế hệ cùng thời do GS.TS. Phạm Huy Dũng (Đại học Thăng Long, Hà Nội) trình bày; Tư tưởng canh tân của Hoàng đế Thành Thái trong việc hiện đại hoá đô thị Huế của TS. Trần Đình Hằng (Phân Viện Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế); Những cải cách của Hoàng đế Bảo Đại nhìn từ tư liệu lưu trữ của TS. Lê Nam Trung Hiếu (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng); Phản ứng của Pháp trước những đề nghị cải cách của Hoàng đế Bảo Đại của TS. Vĩnh Đào (Paris-Sorbonne University, Pháp); Văn hoá in ấn và di sản tư liệu: Lược quan về mộc bản ở Việt Nam – PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mộc bản Quốc tế); Cải cách khoa cử đầu thế kỷ 20: Vai trò quan trọng ít được biết đến của triều Nguyễn và trí thức người Việt – PGS.TS. Liam C. Kelley (Engaging With Vietnam).
Phần 2: Đông Dương và mối liên hệ với kinh tế di sản và du lịch thời nay
Phần 2 của Hội thảo với các bài viết tiêu biểu: Du Lịch Đông Dương Xưa, Trần Hữu Phúc Tiến – Tác giả cuốn sách Du Lịch Đông Dương Xưa – Sách ảnh song ngữ Việt, Anh. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Đơn vị phát hành: NXB Dân trí, 2024; Vấn đề ngoại giao Việt-Pháp qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn, Nguyễn Thị Hà Giang (Khoa Ngữ văn & Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt), Trần Thị Minh (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Lâm Đồng); Sự tiếp nhận văn hóa phương Tây và sự bảo tồn văn hóa bản địa tại Nam Bộ thời thuộc địa – Những mô tả từ “Nam kỳ ngao du” của Leon Werth và bài học cho thời đại toàn cầu hóa”, ThS. Vũ Thị Thanh Tâm (Ô Cửa Sách, Đà Lạt); Nghiên Cứu văn hiến Hán Nôm tại các khó lưu trữ quốc tế – giá trị của văn hóa và ngoại giao hôm nay, PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh (Trường Đại học Thăng Long)
Phần 3: Ngoại giao và văn hoá trong bối cảnh hiện đại
Với các bài viết tiêu biểu: Ý tưởng học thuật thành lập Trung tâm Giáo dục – Khoa học tại Đà Lạt của trí thức trước 1965 và Công viên Khoa học Đà Lạt thời hiện đại của TS. Nguyễn Cảnh Chương (Trường Đại học Đà Lạt); Hội nghị trù bị Đà Lạt tháng 4/1946 qua biên khảo của Nguyễn Vĩnh Nguyen – Ngô Thị Thu (Trường Đại học Đà Lạt); Mỹ thuật Đông Dương nhìn từ tranh người nữ: Dân tộc luận mỹ cảm – TS. Phùng Hà Thanh (ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội); Di sản kiến trúc hiện đại: Phát hiện, định vị và bảo tồn các giá trị – ThS. Lưu Diệu Linh (Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam);
Phần 4: Những chuyến đi, những con người, những cuộc đời gắn với lịch sử Đông Dương
Với các bài viết tiêu biểu, được trình bày online trong Hội thảo: Cuộc đời và những đóng góp cho Việt Nam của dịch giả Trần Thiện Đạo do Gilles Tran (Nhà nghiên cứu và chuyên gia nông nghiệp, Pháp) và TS Nguyễn Thụy Phương (University of Geneva, Switzerland, & Université Paris Cité, France); Từ “La belle d’Occident” của nhà văn Huỳnh Thị Bảo Hòa đến nghiên cứu của Nguyễn Phương Ngọc và bộ phim tài liệu cùng tên của nhà làm phim Natacha Cyrulnik – PGS TS Nguyễn Phương Ngọc (Aix-Marseille University, Pháp) và Documentary maker Natacha Cyrulnik (Aix-Marseille University, Pháp); cùng các bài viết; Chất Đông Dương qua “Người Tình” của Marguerite Duras – Trần Thị Bảo Giang (Khoa Ngữ văn và Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt); Suy ngẫm từ cuốn “Xứ Đông Dương” – Hồi ký của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902), Tổng thống Pháp (1931-1932) xuất bản lần đầu năm 1905 được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp L’Indochine Frangcaise (Souvenirs), NXB Thế giới phát hành ra mắt độc giả Việt Nam 3/2016” của TS. Vũ Minh Hoàng, Trường Đại học Fulbright Việt Nam;
Phần 5: Với các bài viết xoay quanh chủ đề: “Di sản văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ thời kỳ Đông Dương: Tác động lịch sử và ảnh hưởng đến xã hội hiện đại Việt Nam.”
Các bài viết tiêu biểu đó là: Chính sách giáo dục và ngôn ngữ của chính quyền Đông Dương: Từ tạo chữ viết đến thiết lập nền giáo dục bằng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số – TS. Phạm Thị Kiều Ly (Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội); Sự khởi đầu của trường sư phạm hiện đại ở Việt Nam: Trường hợp Trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương – TS. Nguyễn Kim Dung (Đại học Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội); Dư âm Đông Dương qua trường hợp Kênh đào Funan Techo – TS. Vũ Minh Hoàng (Trường Đại học Fulbright Việt Nam); Những câu chuyện Đông Dương qua “Mẫu Thượng ngàn”, tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (Bản in lần thứ 9 do NXB Phu Nữ Việt Nam xuất bản vào tháng 9 năm 2021) – TS. Phùng Hà Thanh (Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội); Dấu ấn văn hóa Pháp với sự hình thành bản sắc đô thị Đà Lạt – TS. Lê Thị Nhuấn (Trường Đại học Đà Lạt).
Lồng vào hội thảo là Tọa đàm – “Đà Lạt như một nàng thơ trong điện ảnh” với bài viết “Ai lên xứ hoa đào: Một truyền thống lạc thú hoa cỏ của âm nhạc đô thị” của Nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Trương Quý; Tọa đàm – “Cảnh quan Đà Lạt: Giữa hoài niệm và cuộc sống đương đại”; đồng thời Hội thảo cũng gặp gỡ và giao lưu với tác giả sách “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại”, NXB. Phụ Nữ Việt Nam, xuất bản năm 2024 – Tác giả Vĩnh Đào & Nguyễn Thị Thanh Thúy giới thiệu sách và quá trình thực hiện tác phẩm.
Các hoạt động bên lề đầy cảm hứng
Bên cạnh những tham luận khoa học, Hội thảo Quốc tế tại Đà Lạt còn mang đến nhiều hoạt động đầy cảm hứng như:
- Tham quan Phố Bên Đồi Creative Studio và giao lưu với tác giả sách.
- Thưởng thức Madame Show “Những Đường Chim Bay” tại Biệt Điện Trần Lệ Xuân, một sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật và lịch sử.
- Thăm Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV để khám phá những di sản quy giá.
Hội thảo như một bức tranh khoa học và văn hoá
Trong bốn ngày làm việc nghiêm túc, với sự tham gia tích cực của các diễn giả từ các quốc gia, Hội thảo Quốc tế “Những câu chuyện Đông Dương: đối thoại giữa lưu trữ, học thuật và ký ức” đánh dấu mốc son trong hành trình kết nối tri thức và góp phần lan tỏa mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật và giáo dục. Trường Đại học Đà Lạt tự hào là đơn vị đồng hành và góp phần vào thành công của chuỗi Hội thảo quốc tế này.
Dưới đây là một số hình ảnh về Hội thảo:
———————————–
Bài: Nguyễn Cảnh Chương